Hàn Quốc xứ sở Kim chi với 4 mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt là điểm đến lý tưởng của khách du lịch trên khắp thế giới. Hãy cùng Happyedu tìm hiểu về 5 biểu tượng của Hàn Quốc nhé!
Quốc hoa của Hàn Quốc: Mugunghwa
Đặc điểm: Mugunghwa nở hoa từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 10. Hoa có 5 cánh, cuống hoa ngắn, thường có màu trắng, hồng tím, hồng nhạt,…
Hoa nở vào buổi sáng sớm, bắt đầu khép cánh vào buổi chiều và rụng lúc hoàng hôn. Chu trình này được lặp đi lặp lại hàng ngày. Thông thường cây nhỏ một ngày nở khoảng 20 bông, cây lớn 50 bông, thời gian hoa nở khoảng 100 ngày/năm. Vì vậy, nếu tính ra trong một năm, hoa nở khoảng từ 2000~5000 bông. Việc nở liên tiếp hàng ngày được xem là đặc tính rất độc đáo của hoa Mugung.
Mugunghwa sống và sinh trưởng mạnh mẽ ngay cả trong môi trường khác nghiệt như khe suối, vách đá.
Với những đặc tính như vậy, Mugunghwa là loài hoa được người dân Hàn yêu thích từ xa xưa, nở rộ khắp nơi tô sắc lung linh. Mugunghwa với ý nghĩa ‘loài hoa nở mãi không tàn’ đã trở thành biểu tượng của đất nước Hàn Quốc.
Theo các ghi chép cũ, người Hàn coi Mugunghwa như quốc hoa từ trước thời Gojoseon, và Silla thậm chí còn tự gọi mình là ‘Đất nước Mugunghwa’ (근화향: 무궁화 나라).
Mugunghwa đại diện cho người dân Hàn Quốc với tinh thần bất khuất, kiên cường, trải qua bao đau thương của chiến tranh nhưng vẫn nỗ lực không ngừng tạo nên một cường quốc Hàn Quốc phát triển khiến bạn bè thế giới phải khiêm nhường như ngày nay.
Mugunghwa được sử dụng làm biểu tượng mang ý nghĩa quốc gia như bằng khen của Tổng thống, huy hiệu của các nghị sĩ, logo của tòa án, cơ quan chính phủ,…
Con vật đại diện của Hàn Quốc: Hổ
Có nhiều suy đoán và bình luận khác nhau cũng như không có quy định về mặt pháp luật rằng hổ là con vật biểu tượng của Hàn Quốc. Nhưng từ xa xưa, người dân Hàn Quốc luôn coi hổ là linh vật thiêng liêng, chúa tể của núi rừng.
Hổ là nhân vật chính xuất hiện rất nhiều trong các giai thoại, chuyện cổ tích và các bức vẽ dân gian của người Hàn Quốc. Con hổ dũng cảm cũng được tôn thờ vì nó giúp người dân đánh bại các linh hồn xấu xa, xua đuổi tà ma và bệnh dịch.
Đối với người dân Hàn Quốc, hình ảnh con Hổ gợi lên những liên tưởng về sức mạnh tuyệt đối, sự bền bỉ, lòng dũng cảm và là một biểu tượng của đẳng cấp chiến binh.
Thêm vào đó, hình ảnh bản đồ của Hàn Quốc thời xa xưa được cho là có hình dạng như một chú hổ uy song. Với địa hình là đồi núi, hổ được coi là thần núi, linh vật bảo vệ cho đất nước Hàn Quốc.
Với ý nghĩa thiêng liêng đó, hổ đã được chọn là con vật biểu tượng của Hàn Quốc cho thế vận hội mùa đông năm 1988, một đòn bẩy giúp Hàn Quốc vươn xa tầm thế giới và phát triển như ngày nay.
Món ăn đại diện của Hàn Quốc: Kim chi
Hàn Quốc có văn hóa ẩm thực vô cùng đa dạng và hấp dẫn không kể hết tên. Nhưng khi nói về món ăn đại diện của Hàn Quốc thì chắc chính đó là món Kim chi quen thuộc.
Đây là món ăn truyền thống luôn có mặt trên bàn ăn của người Hàn Quốc từ xưa đến nay. Và năm 2013, văn hóa muối Kim chi (Kimjang) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Vì Hàn Quốc nằm ở vĩ tuyến 38 độ về phía Bắc nên có mùa đông rất lạnh và thường không thể trồng loại rau củ nào. Do đó, trước khi mùa đông lạnh giá đến, người Hàn sẽ dùng muối để ướp rau củ giúp họ có cái ăn qua suốt mùa đông và kim chi cũng chính là được muối như vậy. Đây cũng là nguồn gốc của văn hóa thực phẩm lên men Hàn Quốc.
Ngày nay, món kim chi Hàn Quốc đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Kim chi cay cay, chua chua có thể nấu đủ món ngon đã khiến các tín đồ ẩm thực khắp đó đây thán phục. Và Hàn Quốc cũng được gọi bạn bè quốc tế gọi với cái tên thân vật “Xứ sở Kim chi”.
Doanh nghiệp đại diện của Hàn Quốc: Samsung
Hàn Quốc là cường quốc có nhiều doanh nghiệp vươn lên top đầu thế giới như Samsung, LG, Hyundai,… nhưng có lẽ doanh nghiệp đại diện của Hàn Quốc hiện nay chính là Samsung.
Mới đây Interbrand đã công bố bảng xếp hạng 50 brand hàng đầu của Hàn Quốc năm 2021 và Samsung vẫn duy trì vị trí số 1 trong nhiều năm qua.
Hãng điện tử Samsung xuất thân từ Công ty công nghiệp điện tử Samsung và Cơ khí Samsung-Sanyo, công ty liên doanh giữa Samsung và Công ty cơ khí Sanyo của Nhật Bản.
Năm 1974, Công ty công nghiệp điện tử Samsung mua lại Công ty chíp bán dẫn Hàn Quốc rồi sáp nhập Công ty cơ khí Samsung-Sanyo vào năm 1977.
Với việc xây dựng nhà máy sản xuất chíp bán dẫn mũi nhọn vào năm 1983, Tập đoàn Samsung đã bắt đầu tập trung kinh doanh lĩnh vực này. Tiếp nối nhà sáng lập Lee Byung-chul, con trai thứ ba Lee Kun-hee trở thành người đứng đầu của tập đoàn năm 1988, và ra tuyên bố lĩnh vực chủ chốt của tập đoàn là điện tử, viễn thông và chíp bán dẫn.
Kể từ đó, Samsung luôn tiên phong trong công nghệ – kỹ thuật chíp bán dẫn toàn cầu, giữ nguyên “siêu khoảng cách” với các công ty đi sau. Nhờ công nghệ này, công ty cũng đang chiếm lĩnh thị trường điện thoại thông minh toàn cầu. Ngoài ra, Tập đoàn Samsung còn không ngừng phát triển ở các lĩnh vực công nghiệp khác như xây dựng và công nghiệp nặng với công nghệ tiên tiến.
Ngày nay, Samsung có nhiều nhà máy sản xuất trên toàn thế giới và tạo ra việc làm cho nhiều người, giúp nhiều quốc gia cải thiện đời sống và phát triển kinh tế trong đó có Việt Nam. Samsung đã góp phần mang tên tuổi của Hàn Quốc vươn cao vươn xa trên toàn thế giới!
Màu đại diện của Hàn Quốc là màu đỏ?
Nếu nhìn vào thế vận hội năm 1988, Hàn Quốc tràn ngập màu đỏ thì có lẽ nhiều người sẽ nghĩ màu đỏ là màu đại diện của Hàn Quốc đúng không? Nhưng trên thực tế, không có quy định cụ thể về màu đại diện của Hàn Quốc.
Hàn Quốc được mệnh danh là dân tộc áo trắng nhưng lại có văn hóa phối màu Obangsaek (오방색) gồm trắng, đen, xanh lam, vàng và đỏ rất độc đáo. Và lá cờ Taegeukgi của Hàn Quốc thì lại có 4 màu trắng, đỏ, đen, xanh lam.
Do đó, không thể chọn một màu riêng biệt để làm màu đại diện của Hàn Quốc được. Sau đay là quan niệm và ý nghĩa của một số màu sắc quan trọng ở Hàn Quốc:
Màu trắng: Với người Hàn Quốc, màu trắng là màu cơ bản nhất, tượng trưng cho sự khởi đầu, nguồn gốc và nền tảng của nhân loại. Ngoài ra màu trắng còn đại diện cho ánh sáng, sự sạch sẽ, tinh khiết, khiêm tốn.
Màu đỏ: Trong quan niệm của người Hàn, màu đỏ đại diện cho quyền lực, trừ tà, mưu cầu hạnh phúc. Vào World Cup 2002, ở Hàn màu đỏ đã trở thành biểu tượng của niềm đam mê và là màu thúc đẩy sự gắn kết xã hội.
Màu xanh: Màu xanh lam tượng trưng cho mùa xuân, tuổi trẻ, hy vọng, điều không tưởng. Trong triết học Đông Á, màu xanh lam tượng trưng cho sự không tưởng. Các màu sắc khác nhau của núi, biển và bầu trời, từ xanh lam nhạt, xanh lục, đến xanh nước biển, được coi là thuộc về một màu biểu thị cho ‘sự sống’ và ‘hy vọng.’
Màu đen: Màu đen tượng trưng cho bóng tối, cái chết, sự trang trọng, nhân phẩm, quy tắc.